Đánh giá thực trạng cây mắc ca và đề xuất vùng trồng thích hợp theo hướng an toàn tại tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 21/03/2025 20:55
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/03/2025 20:55
Đắk Lắk có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây mắc ca, có khả năng hình thành vùng mắc ca tập trung tương đối lớn để cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Thực tế cho thấy cây mắc ca được trồng tại Đắk Lắk đã và đang cho thấy sự thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế mang lại.
Cây giống mắc ca đủ thời gian và tiêu chuẩn để tiến hành trồng
|
Tuy vậy, cây mắc ca là loài rất mẫn cảm với yếu tố khí hậu đặc biệt là nhiệt độ đây là yếu tố quyết định đến sự ra hoa đậu quả, trong khi đó Đắk Lắk là địa phương rất có sự đa dạng về sinh thái, do vậy cần có những đánh giá phân vùng trồng thích hợp để nâng cao hiệu quả của việc trồng mắc ca. Xuất phất từ thực tiễn trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca và đề xuất vùng trồng thích hợp theo hướng an toàn tại tỉnh Đắk Lắk”.
Việc đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca và đề xuất vùng trồng thích hợp theo hướng an toàn tại tỉnh Đắk Lắk được thực hiện từ năm 2022. Qua điều tra đánh giá cho thấy có 19 giống mắc ca được trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó các giống chính là OC, QN1, 695, 788, H2 A38 và 842. Năng suất trung bình trên cây của các giống mắc ca ở thời kỳ thu hoạch chính trên 7 năm tuổi biến động từ 5,6 kg hạt/cây/năm đến 14,8kg, hạt/cây, năm, các giống cho năng suất hơn 10kg hạt/cây/năm là 0C, QN1, A16, A38, A268, 849 và 856. Huyện Krông Năng là huyện có năng suất bình quân năm đạt cao nhất, thời kỳ thu hoạch chính đạt từ 3,41 tấn hạt/ha đến 4,55 tấn hạt/ha với vườn trồng thuần và đạt 1,50 tấn hạt/ha đến 3.03 tấn hạt/ha với vườn trồng xen. Địa phương có năng suất mắc ca thu được thấp nhất là huyện Lắk, đạt 1.04 -1,39 tấn hạt/ha với vườn trồng thuần và đạt 0,46 đến 0,92 tấn hạt/ha với vườn trồng xen.
Kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong nhân giữa các giống mắc ca cũng như giữa các vùng trồng có sự khác biệt rõ rệt. Hàm lượng protein của các giống biến thiên trong khoảng 8,27-9,80%, hàm lượng lipit đạt được từ 75,73% đến 82,76%, hàm lượng đường từ 0,05% đến 1.36%, trong đó giống OC,QN1, 788 có hàm lượng protein cao nhất đạt trên 9,0%. Hàm lượng lipit là chỉ tiêu quan trọng nhất trong đánh giá chất lượng hạt mắc ca và kết quả phân tích nhân hạt của 5 giống mắc ca được trồng phổ biến tại Đắk Lắk đều có hàm lượng lipit trên 75% trong đó, giống 0C, QN1 và A38 có hàm lượng trên 80%.
Vườn mắc ca tại mô hình theo dõi, đánh giá giống mắc ca tại xã Ea Puk huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
|
Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành điều tra thực trạng đầu tư chăm sóc vườn mắc ca tại 6 huyện cho thấy có 77,3% - 92,9% số hộ điều tra sử dụng phân hữu cơ và 90% -100% số hộ sử dụng phân vô cơ để bón cho mắc ca. Về áp dụng các biện pháp xử lý bảo vệ thực vật và phun xịt dưỡng hoa, nuôi quả cho thấy có 77,3% - 100% số hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và 16,7 – 88,5% số hộ sử dụng phân bón lá để kích thích ra hoa đậu quả đồng loạt và nuôi dưỡng quả. Đánh giá hiệu quả của mô hình trồng mắc ca tại Đắk Lắk cho thấy lợi nhuận thu được từ 1 ha mắc ca từ năm thứ 7 trở đi biến động từ 94,4 đến 330,2 triệu đồng/ha/năm đối với vườn trồng thuần và đạt 42,5 đến 179 triệu đồng/ha/năm đối với vườn trồng xen. Trong đó, tại huyện Krông Năng cây mắc ca cho lợi nhuận cao nhất ở cả mô hình trồng xen và trồng thuần là 179 triệu đồng/ha/năm; địa phương cho lợi nhuận thấp nhất với 147 triệu đồng/ha/năm đối với vườn trồng thuần là M’Đrắk và 42,5 triệu đồng/ha/năm với vườn trồng xen tại huyện Lắk. Đề tài đã chọn lọc và công nhận được 8 cây đầu dòng mắc ca gồm 3 cây giống OC và 5 cây QN1 với các đặc điểm chính như sau: Cây sinh trưởng tốt, ít nhiễm bệnh hại, chiều cao cây đạt từ 6,5-8,0m, đường kính tán đạt 6,0-8,0m. Cây ra hoa đậu quả sau 4 năm trồng. Năng suất hạt tươi ổn định qua 3 năm theo dõi đạt từ 30,0-45,0kg/cây, vượt hơn 100% so với năng suất trung bình của giống trồng trong khu vực huyện Krông Năng, khối lượng hạt từ 8,8 đến 9,4 gam/hạt, tỷ lệ nhân đạt 33.1-35,5%, hàm lượng lipit trong nhân đạt 74,14-76,23%.
Qua đánh giá, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các giống mắc ca phù hợp theo vùng trồng chính là: huyện Ea H’Leo là 856, A16, A38, OC, QN1; huyện Krông Búk là OC, QN1, A38, 849, A16; huyện Krông Năng là 788, 849, 856, A16, A38, OC, QN1; huyện Ea Kar là A38, OC, 788; huyện M’Đắk là 695, 842, 856, A38, A268, OC, QN1; huyện Lắk là OC, A38, QN1. Với các vùng khác trong tỉnh có thể ưu tiên lựa chọn giống OC, QN1 và A38, vì đây là những giống có khả năng thích ứng rộng trên nhiều vùng sinh thái nên có tính an toàn cao cho người trồng. Qua đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất vùng trồng mắc ca an toàn tại tỉnh Đắk Lắk là những khu vực có độ cao so với mặt nước biển từ 500m trở lên.
Trần Định