Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu cá nhân
Ngày đăng: 13/05/2025 08:38
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/05/2025 08:38
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận |
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành luật, bởi dự thảo luật này có tác động rất lớn tới mọi mặt xã hội; là khung pháp lý để thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu cá nhân, đồng thời quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng, khai thác dữ liệu cá nhân; nhất là thực tế hiện nay có không ít trường hợp dữ liệu, thông tin cá nhân bị rò rỉ hoặc bị tấn công trên không gian mạng, nhằm phục vụ cho các hành vi vi phạm pháp luật và mục đích trục lợi bất chính.
Liên quan đến nội dung tại khoản 1, Điều 2 dự thảo luật quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm khái niệm cho các cụm từ “dữ liệu cá nhân cơ bản” và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”.
Đối với khoản 2, Điều 4 về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, có quy định áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1-5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại biểu nhận thấy quy định này khó khả thi trên thực tiễn, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cân nhắc lại quy định này.
Đại biểu lý giải, trong doanh thu năm liền trước của doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn thu chính đáng, hợp pháp trong quá trình hoạt động, nếu quy định xử phạt như trên là không hợp lý, nên chăng chỉ xử lý vi phạm căn cứ vào những nguồn thu bất lợi từ việc kinh doanh trong lĩnh vực dữ liệu cá nhân để đảm bảo khả thi trong thực tiễn và bản thân doanh nghiệp khi vi phạm cũng đồng thuận trong việc nộp phạt, xử lý những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của đơn vị trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13 |
Liên quan đến nội dung xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em được quy định tại khoản 4, Điều 23, đại biểu cho rằng quy định trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 15 tuổi cần có sự đồng ý của trẻ em và người đại diện pháp luật, điều này chưa thống nhất với Luật Trẻ em năm 2016, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh lý lại cho thống nhất, phù hợp, đồng bộ giữa các Luật.
Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt tán thành với quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội.
Theo đại biểu, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử tại khoản 1, Điều 4 và nêu rõ Quốc hội quy định ngày bầu cử toàn quốc đối với Cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, do đó không cần phải quy định lại về thẩm quyền của Quốc hội đối với việc quyết định ngày bầu cử ở trong Điều 2 của dự thảo Nghị quyết này.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ nội dung dự thảo luật vì hiện nay đã có mô hình chính quyền hai cấp (cấp tỉnh, cấp xã), do đó cần quy định rõ ở trong dự thảo là cấp xã, tránh trường hợp có nơi ghi “cấp xã”, có nơi ghi “xã”, gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 66 về hội nghị tiếp xúc cử tri có quy định rõ là “căn cứ vào điều kiện thực tế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã chủ trì, phối hợp UBND tổ chức các hoạt động để tổ chức cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND được tiếp xúc cử tri… tuyên truyền vận động cử tri tham gia tiếp xúc cử tri”…
Đối với vấn đề này, đại biểu nhận thấy quy định này cơ cấu có 3 thành tố gồm: thành tố thứ nhất quy định về hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri, thì lần này luật sửa đổi có thể tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến và trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đại biểu thống nhất với hình thức tổ chức này. Thành tố thứ hai là thông báo đến địa phương, cử tri được biết hình thức, thời gian, nội dung, cách thức tổ chức tiếp xúc cử tri; thành tố thứ ba là yêu cầu tuyên truyền, vận động cử tri tham gia tiếp xúc cử tri…
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ |
Đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, đồng thời yêu cầu chỉnh lý lại từ ngữ cho phù hợp hơn. Theo đại biểu, đối với việc yêu cầu “tuyên truyền, vận động cử tri tham gia tiếp xúc cử tri”, nếu quy định như vậy thì việc tiếp xúc cử tri không còn mang tính nguyên tắc tổ chức mà mang tính vận động, tuyên truyền.
Đại biểu cho rằng, nên chỉnh lý lại theo hướng MTTQ phải tổ chức tiếp xúc cử tri cho cử tri và người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND được tiếp xúc cử tri thông qua tính chất, nguyên tắc là bắt buộc cử tri đến tham dự để vừa thể hiện việc đại đa số quần chúng được tham gia thể hiện tiếng nói, kiến nghị với đại biểu và người đại biểu ứng cử cũng phải thể hiện được chương trình ứng cử của mình.
Do đó đại biểu đề nghị cần chỉnh lý lại theo hướng “căn cứ vào các điều kiện cụ thể, Ủy ban MTTQ chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức cho cử tri tham dự tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND của mình thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến; thông báo nội dung, hình thức và các công tác tuyên truyền để cho cử tri được biết và cùng tham gia”…
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu rõ: Bên cạnh dự thảo luật này, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội cũng đã xem xét và thông qua Luật Dữ liệu và hai luật này có những nội dung liên quan mật thiết với nhau; trong đó có một số nội dung bị trùng lặp. Do vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ về phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo.
Liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân phải có sự đồng ý của của cá nhân chủ sở hữu dữ liệu đó và của người đại diện, theo đại biểu Ngô Trung Thành, tại khoản 5, Điều 2, giải thích thuật ngữ về xử lý dữ liệu cá nhân đã nêu: Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, xóa, hủy dữ liệu cá nhân… Tuy nhiên, sau đó lại quy định, xử lý các dữ liệu cá nhân phải được sự đồng ý của chủ sở hữu; đối với trẻ em thì phải có được sự đồng ý của người đại diện…
Đại biểu cho rằng, cần phải có sự phân tách ra, ở những nội dung nào xử lý dữ liệu cá nhân cần phải xin phép, được sự đồng ý; và ở những nội dung nào thì không cần phải xin phép… để trong quá trình triển khai thực hiện luật được dễ dàng hơn.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, hiện nay đang xây dựng TAND theo mô hình 3 cấp là một bước đi đột phá, là bước tiến trong cải cách của hệ thống tòa án.
Tuy nhiên liên quan đến thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính, trước đây đối với quyết định của UBND cấp tỉnh thì là Tòa án cấp tỉnh giải quyết; theo cải cách mới thì sẽ chuyển vụ việc này cho tòa án khu vực giải quyết. Đại biểu cho rằng, việc tổ chức thực hiện cần phải tiến hành tốt, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi trong tâm lý của người Việt Nam, nhiều khi vẫn nhìn nhận theo cấp hành chính xét xử - cấp khu vực xử lý những vụ việc của cấp tỉnh (mặc dù trong thực tế hệ thống tòa án sẽ được tổ chức không theo cấp hành chính nữa mà là theo cấp xét xử).
Do vậy nếu triển khai thực hiện thì cần tổ chức thật tốt, đặc biệt là việc bố trí cán bộ, nhân sự, bảo đảm yêu cầu phúc đáp đối với những đòi hỏi của thẩm quyền mới, nếu không sẽ rất khó khăn trong đảm bảo được niềm tin của người dân đối với phán quyết của tòa án khu vực…
Báo Đắk Lắk